Lịch sử Thiên_Tân

Cổ đại

Thiên Tân nằm trên vùng đồng bằng phù sa do sông Hoàng Hà bồi đắp vào thời Cổ đại, trước khi sông chuyển dòng về phía nam như ngày nay. Vào thời cổ, Hoàng Hà từng ba lần đổi dòng để đổ ra biển tại phụ cận Thiên Tân: đổ ra biển ở phụ cận huyện Ninh Hà vào 3000 năm trước, đổ ra biển tại phụ cận Hoàng Hoa vào thời Tây Hán, đổ ra biển tại nam thành Thiên Tân vào thời Bắc Tống. Đến thời nhà Kim, Hoàng Hà đổi dòng về phía nam, bờ biển Thiên Tân ổn định. Muộn nhất là trong thời Chiến Quốc, ở khu vực Thiên Tân đã có các cư dân lao động và sinh sống đầu tiên.[10] Thời Tây Hán, Hán Vũ Đế đã thiết lập diêm quan tại Vũ Thanh. Thời nhà Tùy, Đại Vận Hà khai thông, khiến cho nơi giao nhau giữa Bắc Vận HàNam Vận Hà, Tam Xóa Hà Khẩu (三岔河口), trở thành nơi phát sinh sớm nhất của Thiên Tân.[10] Thời nhà Đường, đã mở ruộng muối tại Lô Đài, lập kho muối tại Bảo Trì. Từ sau thời Trung Đường, Thiên Tân trở thành bến tiếp nhận các vật tư như lương thực và tơ lụa từ phương Nam vận chuyển lên phương Bắc. Thời Tống-Liêu, Hải Hà từng là sông ranh giới, phía bắc sông là đất Liêu, phía nam sông là đất Tống. Thời Tống, ở phía nam Hải Hà, triều Tống cho thiết lập rất nhiều cứ điểm quân sự, như: Nam Hà, Sa Qua, Độc Lưu để đề phòng quân Liêu tiến xuống phía nam.[10] Thời nhà Kim, triều đình đã cho thiết lập trọng trấn "Trực Cô trại" tại Tam Xóa Khẩu, đương thời khu vực phụ cận Thiên hậu cung đã hình thành đường phố.[10] Thời nhà Nguyên, vận chuyển đường biển được khai thông, Trực Cô trở thành trung tâm vận chuyển đường thủy, có tiếp vận thính và kho lương, Thiên Hậu cung cũng được xây dựng. Năm Diên Hựu thứ 3 (1316), tại Trực Cô đã thiết lập "Hải Tân trấn", là trọng trấn quân sự và trung tâm vận chuyển đường thủy đương thời.[10] Thời nhà Minh, khi Yên vương Chu Lệ tranh đoạt ngôi vị với người cháu là Minh Huệ Đế, đã vượt sông tại khu vực Thiên Tân để tiến về phía nam. Năm Vĩnh Lạc thứ hai (1404), Minh Thành Tổ Chu Lệ đã ban tên gọi "Thiên Tân", có ý là Thiên tử vượt bến sông, xây thành thiết lập Thiên Tân vệ.[10] Cùng với việc nhân khẩu gia tăng và thương nghiệp phát triển, triều đình nhà Minh liên tiếp thiết lập quan nha, xây trường học, đưa các vùng đất bên ngoài vào phạm vi thuộc thẩm quyền của Thiên Tân. Thời nhà Thanh, Thiên Tân được đổi từ vệ thành châu, rồi được thăng từ châu thành phủ. Cuối thời Thanh, Thiên Tân là trú địa của Trực Lệ tổng đốc, trở thành căn cứ của Lý Hồng ChươngViên Thế Khải trong việc thiết lập Dương Vụ vận động và phát triển thế lực Bắc Dương.

Mở cửa thông thương cuối thời Thanh

Từ trước khi mở cửa thông thương với ngoại quốc, đặc biệt là trong thời gian xảy ra Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai, các cường quốc phương Tây đã từng nhiều lần phát động chiến tranh nhằm chiếm đóng Đại Cô Khẩu- cửa sông của Hải Hà. Ngày 20 tháng 5 năm 1858, liên quân Anh-Pháp đổ bộ vào mặt bên của pháo đài, quân Thanh bắn pháo phản kích, sát thương gần một trăm binh sĩ liên quân. Tuy nhiên, do Trực Lệ tổng đốc Đàm Đình Tương (谭廷襄) từ bỏ chạy trốn, khiến cho pháo đài nam bắc liên tiếp bị công chiếm. Triều đình nhà Thanh bí bách, đã phân biệt ký vào Điều ước Thiên Tân với bốn nước Nga, Anh, Pháp, Mỹ. Ngày 20 tháng 6 năm 1859, công sứ ba nước Anh-Pháp-Mỹ đến ngoài Đại Cô Khẩu, được triều đình Thanh yêu cầu vào bờ tại Bắc Đường, rồi được quân Thanh bảo vệ đến Bắc Kinh hoán ước. Liên quân Anh-Pháp cự tuyệt, tấn công Đại Cô Khẩu, mở đầu cho chiến tranh Đại Cô Khẩu lần thứ hai, quân Thanh bắn pháo phản kích, đánh chìm 4 chiếc quân hạm của liên quân Anh-Pháp, quân Anh-Pháp bị tổn thất nặng nề và phải triệt thoái. Đây là một chiến thẳng hiếm hoi trước ngoại bang của quân Thanh vào mạt kỳ của triều đại này. Ngày 1 tháng 8 năm 1860, liên quân Anh-Pháp huy động hơn 30 quân hạm với đội quân lục chiến gồm 5.000 người đổ bộ thuận lợi vào vùng phụ cận Bắc Đường, mở đầu chiến tranh Đại Cô Khẩu lần thứ ba, liên tục công hạ các pháo đài Tân Hà, Đường Cô và Đại Cô Khẩu Bắc. Hàm Phong hoàng đế hạ lệnh bỏ pháo đài Nam, đám quân Thanh còn lại triệt thoái về thành Thiên Tân, Đại Cô Khẩu thất thủ.[11]

Ngày 24 tháng 10 năm 1860, triều đình nhà Thanh cùng Anh-Pháp đã ký kết điều ước Bắc Kinh. Chín cường quốc gồm Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Nga, Ý, Áo-Hung, Bỉ trước sau đã thiết lập tô giới tại Thiên Tân, tiến hành cải tạo đất trong các tô giới, nạo vét Hải Hà, cải thiện hoàn cảnh đầu tư của Thiên Tân. Thiên Tân dần dần trở thành tiền tuyến mở cửa ở phương Bắc Trung Quốc và là căn cứ của Dương Vụ vận động (洋务运动) vào thời cận đại ở Trung Quốc. Khi đó, Thiên Tân là nơi tiến hành "hiện đại hóa" quân sự, và là một trong những nơi đầu tiên tại Trung Quốc có đường sắt, điện báo, điện thoại, bưu chính, khai mỏ, giáo dục và tư pháp cận đại.[12] Ngày 5 tháng 7 năm 1900, liên quân tám nước công chiếm Thiên Tân, sau đó tiến hành hai năm thống trị thực dân tại Thiên Tân, và đến năm 1901 thì họ đã ra lệnh phá bỏ tường thành Thiên Tân. Năm Quang Tự thứ 29 (1903), Trực Lệ tổng đốc kiêm Bắc Dương thông thương đại thần Viên Thế Khải đã bắt đầu cho phát triển các khu đô thị mới tại bờ bắc Hải Hà ở Thiên Tân, tức Hà Bắc tân khu, áp dụng cách quy hoạch thành thị hiện đại phương Tây, còn được gọi là "Bắc Dương tân thành".[13]

Thời kỳ Dân Quốc

Tháng 3 năm 1912, Viên Thế Khải nhậm chức đại tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc, chính phủ Bắc Dương được thành lập. Ngày 1 tháng 7 cùng năm, Thiên Tân huyện thự bị bãi bỏ, các cơ cấu trực thuộc được đưa sang cho Thiên Tân phủ tiếp quản. Tháng 4 năm 1913, khôi phục Thiên Tân huyện, bãi bỏ Thiên Tân phủ. Huyện thự được thiết lập tại phủ thự trước đó, sau đổi tên thành Thiên Tân huyện hành chính công thự. Ngày 20 tháng 10 năm 1916, Pháp công khai bắt bớ cảnh sát Trung Quốc, mưu tính chiếm Lão Tây Khai. Người dân Thiên Tân hợp thành "Duy trì quốc quyền quốc thổ hội", vài nghìn người tiến hành thị uy. Sau này, do thỏa hiệp của chính phủ Bắc Dương, Lão Tây Khai trở thành nơi Trung-Pháp cùng quản lý, lịch sử gọi là "sự kiện Lão Tây Khai". Ngày 14 tháng 3 năm 1914, chính phủ Trung Quốc tuyên chiến với Đế quốc ĐứcĐế quốc Áo-Hung trong chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, quân đội và cảnh sát Trung Quốc tiến vào thu phục tô giới Đức và tô giới Áo tại Thiên Tân. Tháng 6 năm 1923, Lê Nguyên Hồng từng tuyên bố di dời chính phủ Quốc dân đến Thiên Tân, thực tế là tại tô giới Anh tại Thiên Tân, thiết lập nơi chiêu đãi nghị viên, khiến cho tô giới Anh tại Thiên Tân trong một thời gian đã trở thành nơi trú chân của đại tổng thống Dân Quốc.[14]

Tháng 6 năm 1928, Quốc dân Cách mạng quân chiếm lĩnh Thiên Tân, chính phủ Quốc dân Nam Kinh thiết lập thành phố đặc biệt Thiên Tân và thành lập chính phủ thành phố đặc biệt Thiên Tân. Tháng 6 năm 1930, thành phố đặc biệt Thiên Tân chuyển sang thuộc quyền quản lý trực tiếp của Hành chính viện thuộc Chính phủ Quốc dân Nam Kinh. Tháng 11 cùng năm, do thủ phủ của tỉnh Hà Bắc được chuyển từ Bắc Bình đến Thiên Tân, Thiên Tân lại trở thành một thành phố thuộc tỉnh; tháng 6 năm 1935, thủ phủ Hà Bắc được chuyển đến Bảo Định, Thiên Tân được khôi phục là một thành phố trực thuộc chính phủ Trung ương.

Ngập lụt ở tô giới Nhật tại Thiên Tân vào năm 1939

Sau sự kiện Lư Câu Kiều vào ngày 7 tháng 7 năm 1937, Thiên Tân ngay lập tức chìm trong ngọn lửa chiến tranh. Ngày 29 tháng 7, quân Nhật Bản đã phái phi cơ đến oanh tạc Thiên Tân. Ngày 30 tháng 7, quân Nhật Bản chiếm lĩnh Thiên Tân, thành lập "Hội duy trì trị an thành phố Thiên Tân", bổ nhiệm Cao Lăng Úy làm ủy viên trưởng. Ngày 17 tháng 12 cùng năm, đổi thành "công thự đặc biệt thành phố Thiên Tân". Ngày 9 tháng 4 năm 1939, giám đốc hải quan Thiên Tân mới nhậm chức là Trình Tích Canh (程锡庚) thuộc phái thân Nhật đã bị những người kháng Nhật ám sát tại tô giới Anh ở Thiên Tân, dẫn đến tranh chấp ngoại giao giữa Anh Quốc và Nhật Bản. Từ ngày 14 tháng 6 cùng năm, quân Nhật Bản tiến hành phong tỏa vũ trang tô giới Anh và tô giới Pháp tại Thiên Tân trong suốt một năm. Sau khi bùng phát chiến tranh Thái Bình Dương, quân Nhật Bản tiến chiếm tô giới Anh tại Thiên Tân. Tháng 8 đến tháng 10 cùng năm, Thiên Tân xảy ra lụt lội, khiến cho 80% diện tích khu vực đô thị của thành phố bị ngập. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thu phục Thiên Tân cùng tô giới các nước tại Thiên Tân. Ngày 30 tháng 9, đội hải quân lục chiến Hoa Kỳ gồm hơn 20.000 lính đã đổ bộ tại khu vực Đường Cô, đến ngày 8 tháng 10, tại quảng trường trước cửa bộ Tư lệnh quân Mỹ trú tại Thiên Tân, đã cử hành nghi thức quân Nhật ký vào bản đầu hàng. Sau khi nội chiến Quốc-Cộng bùng phát, vào ngày 29 tháng 11 năm 1948, chiến dịch Bình Tân bắt đầu. Từ ngày 2 tháng 1 năm 1949, 340.000 quân Cộng sản tham dự chiến dịch Bình Tân đã tập kết quanh Thiên Tân, sang ngày 14 tháng 1 thì tiến hành tổng công kích, trải qua 29 giờ chiến đấu đã đánh bại Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc, nắm giữ toàn bộ Thiên Tân.

Đương đại

Trong khoảng thời gian từ năm 1949 đến tháng 2 năm 1958, Thiên Tân là một thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 11 tháng 2 năm 1958, do "Đại nhảy vọt" và các cơ sở công nghiệp hùng hậu tại Thiên Tân, thành phố được sáp nhập vào tỉnh Hà Bắc, Tỉnh lị Hà Bắc được đặt tại Thiên Tân trong vòng 8 năm, trong thời gian này một lượng lớn công xưởng và học hiệu được di chuyển ra các nơi khác tại Hà Bắc, điều này có ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển kinh tế của thành phố. Ngày 2 tháng 1 năm 1967, do "bị chiến, bị hoang" và lo ngại rằng Thiên Tân sẽ trở thành chiến trường, tỉnh Hà Bắc đã dời tỉnh lị về Bảo Định, Thiên Tân khôi phục vị thế là một thành phố trực thuộc Trung ương, duy trì cho đến nay.

Ngày 28 tháng 7 năm 1976, đã xảy ra trận động đất Đường Sơn có cường độ 7,8 độ richter, Thiên Tân phải hứng chịu các sóng địa chấn gây ra thiệt hại. Trận động đất đã khiến 24.345 cư dân thành phố tử vong, 21.497 cư dân thành phố trọng thương. Trên 60% công trình kiến trúc toàn thành phố chịu sự phá hoại của động đất, gần 700.000 người mất nhà cửa. Trận động đất khiến nền công nghiệp Thiên Tân chịu tổn thất nghiêm trọng, trên 30% xí nghiệp bị phá hoại ở mức độ nghiêm trọng. Đồng thời, hồ chứa Bắc Đại Cảng và hồ chứa Vu Kiều cũng bị động đất phá hoại nghiêm trọng.[10] Năm 1981, hồ chứa Mật Vân đã được xây dựng trên thượng du Hải Hà thuộc Bắc Kinh nhằm cung cấp nước cho thủ đô, con sông không còn là nguồn cung cấp nước cho Hà Bắc và Thiên Tân nữa, khiên hai địa phương này gặp phải khó khăn.[15] Cùng năm, Quốc vụ viện Trung Quốc quyết định cho xây dựng công trình "dẫn Loan nhập Tân", vấn đề cung cấp nước cho Thiên Tân cuối cùng đã được giải quyết.

Năm 1984, vào đầu cải cách mở cửa, Thiên Tân được Quốc vụ viện xác định là một trong 14 thành phố mở cửa ven biển của Trung Quốc, kinh tế bắt đầu phát triển nhanh chóng. Năm 1994, Thiên Tân bắt đầu chiến lược di chuyển về phía đông đối với ngành công nghiệp, xây dựng tân khu Tân Hải.[16] Tháng 10 năm 2005, một hội nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định đưa sự phát triển mở cửa của tân khu Tân Hải vào trong quy hoạch 5 năm lần thứ 11 và chiến lược phát triển quốc gia. Ngày 22 tháng 3 năm 2006, hội nghị Thường vụ Quốc vụ viện đã xác định vị thế của Thiên Tân là thành phố cảng quốc tế, trung tâm kinh tế phương Bắc, thành phố sinh thái.[7] Do đó việc cạnh tranh vị thế trung tâm kinh tế phương bắc giữa Bắc Kinh và Thiên Tân cuối cùng đã kết thúc.[17][18]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thiên_Tân http://cn.chinagate.cn/ECONOMIC/2007-11/30/content... http://www.china.com.cn/aboutchina/zhuanti/09dfgl/... http://news.enorth.com.cn/system/2010/02/08/004489... http://politics.people.com.cn/GB/1026/4679686.html http://www.bh.gov.cn/bhyx/system/2009/09/24/010034... http://cdc.cma.gov.cn/dataSetLogger.do?changeFlag=... http://www.stats.gov.cn/english/PressRelease/20190... http://www.tj.gov.cn/ http://www.tj.gov.cn/zjtj/lsyg/lsyg/200712/t200712... http://www.tj.gov.cn/zjtj/zrdl/zrdl/